19003089
Hỗ trợ khách hàng

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho trẻ trong mùa hè

Ngày đăng 11-05-2011 16:39

Mùa hè là thời điểm trẻ dễ bị ngộ độc thực phẩm, vậy nguyên nhân do đâu và phải làm thế nào để phòng tránh cho trẻ?

Nguyên nhân trẻ bị ngộ độc thực phẩm

Thời tiết mùa hè nóng nực rất dễ làm cho thực phẩm bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, nhiễm vi sinh vật gây bệnh (như vi trùng roi, phẩy khuẩn tả…). Trong khi đó, bộ máy tiêu hóa của trẻ nhỏ còn chưa phát triển hoàn thiện nên khi tiếp nhận những thực phẩm ôi thiu, nhiễm khuẩn… trẻ rất dễ bị ngộ độc. Hơn nữa, trẻ chưa có ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm... nên dễ bị ngộ độc thực phẩm hơn bất cứ lứa tuổi nào.

Bên cạnh đó, ăn phải những thực phẩm bị nhiễm độc tố (như độc tố từ cóc, cá nóc), hoặc có thể là thực phẩm bị nhiễm độc tố trong quá trình chế biến, bảo quản như nhiễm hóa chất, các loại dư lượng thuốc bảo quản, thuốc trừ sâu, thuốc phòng dịch bệnh… cũng gây nên ngộ độc thực phẩm.

Đặc biệt, ngộ độc thực phẩm do hóa chất như ăn thức ăn chứa nhiều hàn the, formol, thuốc trừ sâu, màu thực phẩm sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ, trẻ có thể mắc các bệnh mãn tính, thậm chí gây ung thư hoặc biến đổi gien. Trường hợp trẻ bị ngộ độc nặng, xử trí không kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Khi bị ngộ độc thực phẩm, trẻ thường chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy, sốt, đau quặn vùng bụng… Triệu chứng này có thể kéo dài tới 2 ngày. Vi khuẩn trong thực phẩm sẽ nhân đôi số lượng trong 20 phút/ lần với nhiệt độ bình thường. Trẻ càng dễ bị hơn vì sức đề kháng không được như người lớn.

Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho trẻ

Chọn mua, bảo quản thực phẩm đúng cách

Cố gắng mua những sản phẩm còn tươi. Nếu là đồ đông lạnh thì hãy chú ý tới hạn sử dụng của thực phẩm ghi trên bao bì. Tuyệt đối không mua các thực phẩm có mùi vị bất thường.

Chọn mua, bảo quản thực phẩm đúng cách

Mua sắm thực phẩm ở nơi càng gần nhà càng tốt. Khi mua về, dù chưa sử dụng đến, bạn vẫn cần sơ chế và bảo quản lạnh thực phẩm ngay.

Hãy đặt các loại thực phẩm dễ bị hư, hỏng nhất lên trên cùng giỏ mua hàng để đảm bảo rằng chúng sẽ được sơ chế và bảo quản lạnh đầu tiên, khi bạn trở về nhà.

Với thời tiết mùa hè, không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm tươi, tốt nhất là ăn lúc nào thì mua lúc ấy.

Giữ thịt, gia cầm và thủy sản riêng biệt với thực phẩm khác để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn từ thức ăn.

Không đặt thức ăn chín, hoặc nấu món ăn tại một nơi mà bạn đang đặt thịt, gia cầm hoặc hải sản sống.

Không nên dùng lại đồ ăn thừa, nhất là khi chúng không được bảo quản vệ sinh. Để tránh lãng phí, hãy mua và nấu vừa đủ.

Những sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ như bơ, kem, sốt mayonnaise,… phải được để lại vào tủ lạnh ngay sau khi sử dụng. Bạn nên thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của tủ lạnh (vùng lạnh nhất phải luôn nhỏ hơn 4oC), khí lạnh sẽ làm chậm quá trình phát triển của vi khuẩn có trong thực phẩm đặc biệt là khi bạn bảo quản sữa cho trẻ.

Thực tế, ở nhiệt độ lạnh -18oC vi khuẩn thương hàn vẫn sống được 6 tháng, tụ cầu vàng sống được 5 tháng. Còn ở độ lạnh -6oC như trong ngăn đông của nhiều tủ lạnh gia đình hiện nay, sau 90 ngày các vi khuẩn tả, thương hàn, lỵ trực khuẩn, tụ cầu vàng, trực khuẩn E.coli... vẫn sống bình yên.

Ngoài ra, bạn cũng hãy trang bị ngay cho mình một chiếc hộp cách nhiệt. Đừng bao giờ tiếc tiền đối với một món đồ như thế, bởi nó rất có hiệu quả trong việc bảo vệ các loại thực phẩm dễ bị hư, hỏng.

Rã đông

Khi rã đông, tốt nhất là để thực phẩm trong ngăn mát của tủ lạnh cho rã đông dần dần.

Thực phẩm đã rã đông phải dùng ngay không nên cất để dùng tiếp lần sau vì dễ dẫn đến ngộ độc.

Khi chế biến, phải nấu thật chín để đề phòng các loại vi khuẩn hoạt động mạnh trở lại sau khi thoát khỏi quá trình đông lạnh. Tuyệt đối không ăn những thức ăn còn tái.

Chế biến và cho trẻ ăn

Phần lớn vi khuẩn trong thực phẩm khi được đun chín tới 160oF (71,1oC) đều có thể bị tiêu diệt (một vài loại thịt cần đun chín hơn). Tuy nhiên, khi để thực phẩm đã đun chín trong phòng sau khoảng 2 giờ thì vi khuẩn có thể trở lại và thâm nhập vào. Nếu có điều kiện, bạn nên để trong tủ lạnh những thực phẩm đã nấu chín ngay nếu chưa ăn hết.

Mùa hè, hải sản rất nhanh bị hỏng, hãy đảm bảo rằng chúng sẽ được chế biến ngay sau khi mua về từ 3-5 giờ đồng hồ.

Đối với rau, củ, quả để tránh và hạn chế các loại thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản tốt nhất lên dùng oxy già để sục rửa. Khi ngâm rửa rau, củ, quả bằng nước muối chỉ có thể diệt được một số loại vi khuẩn chứ không thể tẩy rửa hết các hóa chất bảo quản.

Đảm bảo rằng thức ăn luôn được nấu chín kỹ và được bảo quản trong môi trường an toàn. Những món tái nên loại ra khỏi thực đơn. Không sử dụng một đĩa chung để đựng thịt tươi sống và thịt đã nấu chín.

Rửa tay bạn sạch sẽ trước khi chế biến cũng như rửa tay cho trẻ trước khi ăn.

Không để thức ăn quá 1 giờ trong môi trường mùa hè nóng nực.

Nhiều người có thói quen khi thức ăn thừa không hết thì cho ngay vào tủ lạnh để bảo quản và chỉ sau đó khi cần dùng lại mới đem đun nấu lại. Điều này là không nên, thức ăn thừa còn lại cũng cần đun sôi, đun nóng diệt khuẩn, sau đó để nguội mới cất vào tủ lạnh. Và khi cần dùng lại phải đun sôi lại một lần nữa. Tủ lạnh chỉ là nơi kiềm chế sự phát triển của vi khuẩn chứ không thể diệt khuẩn. Theo thời gian có những vi khuẩn thích ứng với độ lạnh của tủ lạnh, nó chỉ hoạt động chậm lại nhưng vẫn có thể nhân lên và tiết độc tố ra. Nếu thức ăn thừa không được đun nấu diệt khuẩn lại có thể có những vi khuẩn đã kịp xâm nhập, tiết độc tố vào thức ăn, lúc này đem để vào tủ lạnh chỉ làm nhân lên độc tố. Và khi cần dùng lại mới đem đun sôi thì cũng không thể làm hết được những độc tố đó.

Vệ sinh sạch sẽ nhà bếp và các dụng cụ nấu ăn

Vi khuẩn có thể sống sót trên bề mặt các dụng cụ làm bếp khoảng vài giờ và lan rộng sang các loại thực phẩm khác. Vì thế, bạn nên rửa sạch bất kì dụng cụ nào liên quan tới thịt tươi sống, trứng trước khi sử dụng.

Nên thay đồ dùng để cọ rửa bát thường xuyên hoặc tiệt trùng bằng nước nóng hàng ngày.

Nhận diện một số thực phẩm, rau củ có độc

Rau cải xanh đến mức sẫm là do bị bón quá nhiều phân hóa học.

Giá đỗ quá mập, trơn nhẵn, không có rễ chứng tỏ được xử lý nhiều bằng thuốc kích thích.

Nhận diện một số thực phẩm, rau củ có độc

Thủy hải sản dễ biến chất, nhất là vào mùa hè. Khi biến chất sẽ có các vi khuẩn gây ngộ độc và tiêu chảy như: Coliforms, E.coli, C. perfringens và Vibrio parahaemolyticus. Các vi khuẩn này là nguyên nhân gây lên các vụ ngộ độc thực phẩm và tiêu chảy...

Loại bỏ ngay khi nghi ngờ thực phẩm hư, không sử dụng những thực phẩm ôi thiu, dập nát, quá hạn sử dụng, không sử dụng thực phẩm có hiện tượng mốc, không bao giờ sử dụng gia vị, nước chấm…còn dư, trừ khi bạn đun sôi để loại bỏ vi khuẩn.

Sơ cứu khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm

Sơ cứu ngộ độc thực phẩm ở trẻ em cần đặc biệt lưu ý, bởi nếu sơ cứu không đúng cách, trẻ có thể bị sặc, ngạt nước dẫn đến ngừng thở. Khi trẻ bị ngộ độc thức ăn thì thường có các biểu hiện: Đau dạ dày, buồn nôn, bị chuột rút, tiêu chảy, nếu nặng hơn, trẻ có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38oC và đi ngoài ra máu.

Khi trẻ có những dấu hiệu bị ngộ độc thức ăn, phải ngừng ngay không ăn món đó nữa. Khẩn trương gây nôn cho trẻ, nôn càng nhiều càng tốt để tống hết thức ăn ra ngoài. Có thể gây nôn bằng cách uống đầy nước rồi móc họng, ngoáy vào họng để gây nôn. Tuy nhiên, khi sơ cứu bằng gây nôn cho trẻ, người lớn phải lưu ý móc họng trẻ cho khéo, tránh làm xây xát họng trẻ.

Đặc biệt, đặt trẻ nằm ở tư thế nào trước khi gây nôn là rất quan trọng. Phải để trẻ nằm đầu thấp, đầu hơi nghiêng rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra. Trong quá trình gây nôn phải luôn phải khăn để lau chùi. Móc sạch thức ăn trẻ nôn ra rồi dùng khăn mềm lau sạch miệng trẻ.

Khi nôn, trẻ hay bị sặc lên mũi, người lớn phải nhanh chóng dùng miệng hút mũi trẻ nếu không trẻ sẽ bị sặc, khó thở và có thể dẫn đến tử vong. Sau đó, cho trẻ uống dung dịch Oresol hoặc nước cháo, nước cam, nước dừa và đưa trẻ đến bác sĩ để được tư vấn.

Đối với trẻ ngộ độc nhẹ sau khi nôn và đi ngoài thải hết chất độc sẽ bình phục, không nên ăn thức ăn cứng sau đó, mà nên cho ăn cháo nhẹ.

Đối với trường hợp sau khi sơ cứu chưa bình phục ngay và có hiện tượng tím tái, khó thở… cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để rửa ruột và có những điều trị cần thiết.

Theo mangthai.vn

ĐẶT MUA

Điều kiện giao hàng:

- Trong Thành phố Hồ Chí Minh

- Hóa đơn phải hơn 100.000đ

- Trước khi giao hàng nhân viên sẽ liên hệ với Quí khách

Phí giao hàng:

- Phí giao hàng 20.000đ đến các quận như: Q.1, Q.3, Q.4, Q.5, Q.6, Q.8, Q.10, Q.11, Q.Tân Bình và Q.Bình Tân

- Phí giao hàng 30.000đ đến các quận như: Q.2, Q.9, Q.7, Q.12, Q.Gò Vấp, Q.Phú Nhuận, Q.Bình Thạnh, Q.Tân Phú, Q.Thủ Đức, H.Bình Chánh, H.Hóc Môn và H.Nhà Bè

- Các tỉnh ngoài Tp.HCM Quí khách vui lòng liên hệ trực tiếp để biết chi phí giao hàng.

Lưu ý: Hiện tại công ty chỉ giao hàng trong Tp.HCM. Quí khách có nhu cầu mua bột trộn sẵn Mikko có thể đến siêu thị Co.opmart, Big C, Metro, Citimart hoặc các cửa hàng đại lý bột Mikko.