19003089
Hỗ trợ khách hàng

Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ như thế nào

Ngày đăng 24-05-2011 09:21

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) được Quốc hội thông qua ngày 17-11-2010 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Việc ban hành Luật BVQLNTD được coi là một bước tiến quan trọng trong công tác BVQLNTD ở nước ta. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay ở nước ta, hiệu lực thực tế của luật còn phụ thuộc khá lớn vào các văn bản dưới luật.

Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ như thế nào
Mời người đi đường dùng thử sản phẩm. Hành vi này, nếu mang tính quấy rối, sẽ bị cấm khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1-7-2011. Ảnh: Lê Hồng Thái.

Mời người đi đường dùng thử sản phẩm. Hành vi này, nếu mang tính quấy rối, sẽ bị cấm khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1-7-2011. Ảnh: Lê Hồng Thái.

Từ tháng 1-2011, Bộ Công Thương đã triển khai việc soạn thảo nghị định của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BVQLNTD”. Đến nay, dự thảo nghị định đã hoàn thành. Hơn nữa, Ban soạn thảo còn hoàn thành một báo cáo đánh giá tác động (Regulatory Impact Assessment - RIA) của dự thảo nghị định.

Luật BVQLNTD đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành bảy vấn đề tại các điều 7, 14, 19, 26, 28, 29 và 35. Tuy nhiên, RIA chỉ chọn 4 vấn đề quan trọng nhất để đánh giá tác động và lựa chọn phương án. Qua việc đánh giá và lựa chọn các phương án, chúng ta cũng có thể thấy, tới đây quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được bảo vệ như thế nào?

Tổ chức xã hội nào được thực hiện việc khởi kiện để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Về vấn đề này, có hai phương án được đề xuất để lựa chọn, đó là: 1. Chỉ các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới được thực hiện việc khởi kiện và 2. Tất cả các tổ chức xã hội đáp ứng được các điều kiện nhất định đều được thực hiện việc khởi kiện.

RIA do Bộ Công Thương thực hiện đã phân tích và cho thấy, theo số liệu của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, hiện nay mới chỉ có 37 hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thành lập tại 39 tỉnh, thành phố trên cả nước. Vì vậy, nếu sử dụng phương án 1 sẽ có 39 tổ chức bảo vệ người tiêu dùng được quyền khởi kiện vụ án liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng. Đối với những tỉnh chưa có tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tuy đã có nhưng tổ chức này không có đủ năng lực để thực hiện việc khởi kiện thì phương án này sẽ không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ đó, thiệt hại cho xã hội trong trường hợp này là rất lớn.

Phương án 2 sẽ đảm bảo không giới hạn các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện việc khởi kiện. Nếu dựa vào tiêu chí số năm hoạt động tối thiểu là ba năm thì có 65% các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng đạt được tiêu chí này. Hơn nữa, số lượng các tổ chức xã hội khác tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng rất lớn. Chính vì vậy, phương án 2 sẽ đảm bảo điều kiện để các tổ chức xã hội thực hiện việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tốt hơn so với phương án 1. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã kiến nghị tất cả các tổ chức xã hội đạt được một số điều kiện nhất định đều có quyền tham gia khởi kiện để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Khi nào được coi là hoàn thành đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung?

Đây cũng là một trong những vấn đề quan trọng của Luật BVQLNTD. Về vấn đề này cũng có hai phương án lựa chọn: 1. Việc đăng ký được coi là hoàn thành trong thời hạn nhất định mà không cần thủ tục xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và 2. Việc hoàn thành thủ tục đăng ký phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhóm nghiên cứu RIA cho rằng, phương án 1 tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện việc đăng ký, giảm thiểu thủ tục hành chính tối đa cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, phương án này có thể dẫn đến sự lỏng lẻo trong quản lý hoạt động đăng ký hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung cũng như không nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện việc đăng ký. Điều này có thể dẫn đến hoạt động đăng ký không đạt được kết quả như mong đợi cũng như không bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng theo mẫu hay xác lập giao dịch theo điều kiện giao dịch chung. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã kiến nghị “việc hoàn thành thủ tục đăng ký phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Xét về mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kiến nghị nêu trên là hợp lý.

Quyền rút lui hợp đồng trong trường hợp hợp đồng giao kết từ xa

Quy định về quyền rút lại hợp đồng (cooling off) trong trường hợp người tiêu dùng giao kết các hợp đồng từ xa để bảo vệ người tiêu dùng trong trường hợp đã giao kết hợp đồng nhưng không có cơ hội để trực tiếp xem xét về hàng hóa mà mình định mua, không có cơ hội để tiếp cận với những thông tin cần thiết khác. Về vấn đề này cũng có hai phương án được lựa chọn: 1. Người tiêu dùng có quyền rút lại hợp đồng trong bất kỳ trường hợp nào và 2. Người tiêu dùng chỉ được quyền rút lại trong một số trường hợp nhất định.

Nhóm nghiên cứu RIA cho rằng, phương án 1 được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới chọn để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ một cách tốt nhất cũng như buộc các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu rủi ro trong trường hợp người tiêu dùng rút lại hợp đồng. Thậm chí, các quốc gia, vùng lãnh thổ này áp dụng quy định về quyền rút lại hợp đồng của người tiêu dùng không chỉ ở phương thức bán hàng từ xa mà ở tất cả các phương thức bán hàng.

Song, thực tiễn công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam cho thấy, nếu áp dụng phương án 1 có thể xảy ra tình trạng người tiêu dùng lợi dụng quy định này để gây thiệt hại cho doanh nghiệp thậm chí các doanh nghiệp có thể lợi dụng quy định này để thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Chính vì vậy, phương án này, mặc dù có thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng lại gây thiệt hại lớn về chi phí cho doanh nghiệp cũng như xã hội và không đạt được mục tiêu thứ hai mà quy định hướng đến. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã kiến nghị lựa chọn phương án người tiêu dùng chỉ được quyền rút lại trong một số trường hợp nhất định. Đó cũng là một kiến nghị đúng đắn nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa quyền lợi của người tiêu dùng và quyền lợi của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.

Sẽ có đơn vị chuyên môn ở địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động một cách hiệu quả thì cần có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, đặc biệt là vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương. Ở nước ta hiện nay, các sở công thương là đơn vị được giao nhiệm vụ tham mưu giúp chủ tịch Ủy ban Nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực hiện thiếu chuyên nghiệp, mang tính tự phát và không mang lại hiệu quả cao.

Theo quy định của Luật BVQLNTD, trong thời gian tới, ngoài các hoạt động quản lý nhà nước như trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như: kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; quản lý các tổ chức hòa giải, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn; thực hiện phê duyệt các đề án của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Chính vì vậy, hình thành các đơn vị chuyên trách về quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương là vấn đề hết sức cấp bách và cần thiết. Tất nhiên, thực hiện theo phương án này, biên chế của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là sở công thương sẽ tăng lên.

Nhóm nghiên cứu RIA cũng đã tính toán (tất nhiên là sơ bộ) và chỉ ra rằng, chi phí phát sinh do thành lập bộ phận chuyên môn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mỗi năm khoảng 13,5 tỉ đồng. Trong khi đó, lợi ích của người tiêu dùng khoảng 900 tỉ đồng/năm; lợi ích của các doanh nghiệp khoảng 30 tỉ đồng/năm và tính chung, lợi ích cho toàn xã hội khoảng 916,6 tỉ đồng/năm.

Theo: TBKTSG

ĐẶT MUA

Điều kiện giao hàng:

- Trong Thành phố Hồ Chí Minh

- Hóa đơn phải hơn 100.000đ

- Trước khi giao hàng nhân viên sẽ liên hệ với Quí khách

Phí giao hàng:

- Phí giao hàng 20.000đ đến các quận như: Q.1, Q.3, Q.4, Q.5, Q.6, Q.8, Q.10, Q.11, Q.Tân Bình và Q.Bình Tân

- Phí giao hàng 30.000đ đến các quận như: Q.2, Q.9, Q.7, Q.12, Q.Gò Vấp, Q.Phú Nhuận, Q.Bình Thạnh, Q.Tân Phú, Q.Thủ Đức, H.Bình Chánh, H.Hóc Môn và H.Nhà Bè

- Các tỉnh ngoài Tp.HCM Quí khách vui lòng liên hệ trực tiếp để biết chi phí giao hàng.

Lưu ý: Hiện tại công ty chỉ giao hàng trong Tp.HCM. Quí khách có nhu cầu mua bột trộn sẵn Mikko có thể đến siêu thị Co.opmart, Big C, Metro, Citimart hoặc các cửa hàng đại lý bột Mikko.