19003089
Hỗ trợ khách hàng

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2012 - 2015

Ngày đăng 28-01-2012 10:09

Những cung bậc thăng trầm, bất ổn của nền kinh tế, chính trị thế giới trong thời gian dài vừa qua đã đẩy nhiều quốc gia được xếp vào thứ hạng dẫn đầu thế giới rơi vào suy thoái nặng nề và khủng hoảng kinh tế, thậm chí không loại trừ nguy cơ sụp đổ như khối Liên minh Châu Âu. Và đương nhiên các nước đang phát triển và chậm phát triển bị cuốn vào vòng xoáy liên miên bất tận của nó. Nhìn bề ngoài ta thấy các quốc gia này vẫn phải sống và phải cười, nhưng thực chất đang gồng mình lên để chống đỡ với nội tại bạo bệnh, cơ thể suy nhược cấp và môi trường bên ngoài không ngừng tác động xấu.

Việt Nam chúng ta trong 3 năm qua đã thực sự rơi vào vòng xoáy bất ổn của kinh tế thế giới theo đà tăng dần đều. Các chính sách vĩ mô của Chính phủ luôn phải chạy theo thực tế đến hụt hơi và đuối sức. Vấn đề đặt ra là do nguyên nhân chủ quan hay là kinh tế thế giới tác động vào Việt Nam gây bất ổn? Một câu hỏi lớn và phần trả lời đã có khi người đứng đầu Chính phủ thay mặt cho Nội các trước kỳ họp Quốc hội vừa qua đã thẳng thắn chỉ ra đầy đủ các nguyên nhân, trong đó có cả hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, cụ thể là trong quản lý kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, trong quản lý đầu tư công, quản lý doanh nghiệp Nhà nước, quản lý tài nguyên.

Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ giống như ánh lửa cuối đường hầm khơi dậy hy vọng vào sự đổi mới khi niền tin của nhân dân xao động trước chất lượng cuộc sống của cả cộng đồng bị ảnh hưởng xấu, bất chấp những hồ sơ báo cáo thành tích của các cơ quan và các doanh nghiệp Nhà nước. Để giải quyết những hạn chế, yếu kém hay những vấn đề nóng nêu trên buộc chúng ta phải có giải pháp mạnh, quyết liệt và không để cho tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích cản trở hoặc trì hoãn.

Không thể không thừa nhận những kết quả bước đầu đầy hứa hẹn từ các biện pháp quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ trong thời gian qua nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững an ninh xã hội. Tuy nhiên, với quan điểm của người viết, xin có một vài ý kiến để cùng nhau tham khảo nhằm làm rõ hơn một số nguyên nhân của những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang đối mặt.

1- Nợ công tăng cao: nguyên nhân chính do chi tiêu công (trụ sở, xe công, dự án nuốt tiền công…) lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước và vay nước ngoài chưa hợp lý, nhiều khi lãng phí và còn kẽ hở trong quản lý. Để giải quyết vấn nạn này chỉ cần một quyết định cứng rắn và nghiêm khắc nhằm kiểm tra, xử lý trực tiếp đến quan chức nào có tư duy, tờ trình xin ngân sách đầu tư công có dấu hiệu không trong sáng, không phục vụ cho lợi ích của cộng đồng, của Nhà nước và nhu cầu cấp thiết của nhân dân. Mặc nhiên, đầu tư công sẽ đi đúng hướng và Chính phủ sử dụng nguồn vốn đúng trọng điểm, nợ công sẽ giảm, gánh nặng trên vai người đóng thuế bớt đi.

2- Đầu tư không hiệu quả: Do chưa thoát khỏi tâm lý tiểu nông (người Việt Nam vốn luôn có trong mình máu học, phấn đấu để làm quan và thích cả họ được nhờ…) và còn mang trong mình tư duy nhiệm kỳ dẫn đến các quyết định đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách mang tính dấu ấn cá nhân, cục bộ địa phương, làng xã. Tư duy và tâm lý nói trên kết hợp với cơ chế “xin-cho” đã đưa đến tình trạng các quyết định cho phép đầu tư của cơ quan chủ quản được phê duyệt trên nguyên tắc bình quân chủ nghĩa. Điều này dẫn tới cả Việt Nam trở thành công trường đầu tư xây dựng trên nguồn vốn là ngân sách Nhà nước và nguồn vốn vay nước ngoài. Nhiều dự án đưa ra chưa tính toán kỹ, thực hiện thì kéo dài gấp nhiều lần thời gian tiến độ đã được phê duyệt gây lãng phí, không ngoại trừ nguy cơ thất thoát cộng với trượt giá mỗi ngày một cao ảnh hưởng nghiêm trọng và phá vỡ các hoạch định chính sách vĩ mô, thậm chí đi ngược với thông lệ khu vực và thế giới. Hiệu quả đầu tư thấp, ví dụ như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đầu tư 3,5 USD thì sẽ có 1 USD lợi nhuận, Việt Nam đầu tư 8,5 USD mới có 1 USD lợi nhuận, chứng tỏ rằng chúng ta càng đầu tư càng kém hiệu quả nếu không muốn nói là lỗ vốn. Muốn giảm thiểu tối đa những hệ lụy xấu gây tổn thương cho kinh tế, cho niềm tin của người dân chỉ có một con đường duy nhất là triệt để cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, chỉ nên giữ lại một số doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng hoặc phục vụ điều tiết và đầu tư trong lĩnh vực dự án phúc lợi cho xã hội không mang tính kinh doanh. Còn lại các doanh nghiệp khác có vốn nhà nước tham gia nắm hay không nắm phần chi phối đều bình đẳng trước pháp luật. Có vậy chúng ta mới xóa bỏ được cơ chế nổi và cơ chế ngầm “xin-cho” đã và đang tồn tại hơn 50 năm qua.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2012 - 2015

Hơn 9 tỉ USD kiều  hối là một trợ lực hữu hiệu cho nền kinh tế, nhất là thị trường bất động sản 

3- Chính sách ngoại giao: Những thành tựu đối ngoại trong 25 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm lại đây của Đảng, Chính phủ đã minh chứng một điều rằng: chúng ta có khả năng, chúng ta làm được nhưng chúng ta cần có quyết tâm chính trị và tư duy đổi mới. Thực tế Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 180 nước, có lực lượng kiều bào hơn 4,5 triệu người có mặt trên 103 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng thu nhập của toàn bộ kiều bào trung bình xấp xỉ 100 tỷ đô la Mỹ/năm, gần bằng hoặc có những năm bằng GDP của cả nước. Đặc biệt quan trọng là hàng năm lượng kiều hối chuyển về trong nước cho thân nhân hoặc đầu tư gián tiếp bằng và hơn nguồn vốn ODA của nước ngoài cho Việt Nam vay. Điển hình như những năm gần đây trong giai đoạn khủng khoảng 2009 vốn đầu tư ODA cam kết cho Việt Nam là 8 tỷ đô la Mỹ - kiều hối là 6,8 tỷ đô la Mỹ; năm 2010 vốn đầu tư ODA là 7,6 tỷ đô la - kiều hối là 8,4 tỷ đô la; năm 2011 vốn đầu tư ODA là gần 7,4 tỷ đô la - kiều hối dự kiến là hơn 9 tỷ và nếu đem so sánh với lãi ròng của GDP 3 năm qua thì chúng ta nhận thấy rằng nguồn kiều hối đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Có nguồn tiền này lưu thông trong quốc nội giúp cán cân thanh toán ngoại hối bình ổn, giúp cho thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán tăng khả năng thanh khoản và cuộc sống của người dân có liên quan được khởi sắc. Chúng ta ghi nhận hiệu quả mạnh mẽ của Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 19/2008 CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng nếu chúng ta có chính sách thông thoáng hơn theo tinh thần bao dung, độ lượng, đại đoàn kết dân tộc đúng như Nghị quyết 36 và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thêm thuận lợi cho kiều bào thì chắc chắn hiệu quả còn cao hơn nữa. Chính sách bang giao rộng mở của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã đem lại thành công rực rỡ, đưa vị thế, tên tuổi của Việt Nam đến nhân loại. Theo suy nghĩ của tôi, nếu được thêm vài ba nước hùng mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị trở thành bạn và đối tác chí cốt của Việt Nam thì mừng vui lắm thay.

4- Chính sách tiền tệ giật cục: “mạnh vì gạo - bạo vì tiền” lời người xưa quả là trác tuyệt, không cần mầu mè xã giao. Câu nói thẳng thắn, minh bạch đúng với sự thật của con người, của gia đình, của xã hội và quốc gia. Nếu không có hai thứ gạo, tiền thì mọi kế hoạch to hay nhỏ và những hy vọng tốt lành chỉ là viển vông, mộng mị giữa ban ngày. Nhưng khi trong tay sẵn có “gạo, tiền” do mình làm ra hoặc là đi vay đi mượn thì chính sách quản lý, điều tiết “gạo, tiền” lại trở thành mấu chốt của thành công vì anh quản lý đúng thì tiền sẽ đẻ ra tiền, lợi nhuận sẽ cao, chất lượng cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng xã hội. Nhưng 10 năm qua đi, cùng chính sách mở cửa thì các nhóm lợi ích (như lợi ích của công ty, tập đoàn) xuất hiện, lợi dụng vị thế của mình và tìm mọi mánh lới tận dụng những bất cập, kẽ hở để qua mặt hệ thống quản lý điều tiết tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Hệ quả là các ngân hàng thương mại cổ phần và tổ chức tín dụng mọc lên tràn lan, trong đó không ít thành phần này danh bất xứng tầm nhờ cơ chế “xin-cho” hoặc luồn lách để có mảnh giấy được phép huy động “tiền, gạo” của bá tính. Sau khi huy động được tiền, họ đầu tư lại các dự án của chính ngân hàng do họ lập ra. Khi các dự án này đóng băng hoặc có nguy cơ phá sản, người gánh chịu hậu quả là bá tính đã mang “tiền, gạo” đến gửi cho các ngân hàng này. Đây là nguyên nhân chính đẩy lạm phát cao và lãi suất cao trở thành anh em song sinh. Trước những yếu kém và khó khăn chồng chất của hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán, và thị trường bất động sản, Chính phủ phải ra tay can thiệp cấp kỳ. Ngân hàng Nhà nước nhiều khi bị động và lúng túng đối phó, không thể thoát khỏi tình trạng các chính sách đưa ra một cách giật cục trong nỗ lực nhằm bình ổn tạm thời dòng chảy của tiền, vàng, ngoại tệ chạy ngoài vòng kiểm soát. Nhằm lấy lại lòng tin của thị trường và người dân, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều quyết định như trần lãi suất tiền gửi, cấm buôn bán vàng miếng, thắt chặt tín dụng cho những ngành hàng phi sản xuất... Trong chính sách này có nhiều vấn đề không hợp lý, gây thiệt cho người dân trong khi nhiều ngân hàng thu lợi nhuận cao, điển hình là không có trần của lãi suất cho vay, giá vàng bị các doanh nghiệp kinh doanh “làm giá” và người mua lại chịu thêm khoản tiền chênh lệch lớn so với thị trường thế giới. Theo thiển ý của người viết, các hậu quả nêu trên không thể vài ba tháng mà giải quyết được mà nó có thể kéo dài thêm không dưới 2 năm mới có thể hàn gắn được với điều kiện phải tuân thủ nghiêm ngặt Nghị quyết 11 của Chính phủ và thực hiện đúng cam kết của Chính phủ trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII vừa qua.

Để nói nền kinh tế Việt Nam từ nay cho đến hết năm 2012 sẽ tốt hay xấu chắc rằng hiện nay ít người dám mạnh miệng khẳng định. Theo cách đặt vấn đề và giải pháp giải quyết của người viết nêu trên thì Việt Nam chúng ta có nhiều cơ hội vươn lên để thay đổi và khẳng định mình trước nhân dân và thế giới. Thành công hay không tùy thuộc rất lớn vào những người được nhân dân giao trọng trách cầm lái con thuyền bé nhỏ, mỏng manh đang nương theo chiều thuận của tự nhiên  và tìm cách thoát ra khỏi vòng xoáy nguy hiểm bất ổn kinh tế Việt nam và thế giới.

Trước thềm năm mới 2012 xin mượn lời câu hát “hãy tin, hãy yêu” để chia sẻ và cùng nhau vượt qua khó khăn này. Kinh tế Việt Nam sẽ hưng thịnh sau năm 2014 theo cách nhìn và đánh giá chủ quan của người viết.

Nguyễn Hoài Bắc (Canada)

ĐẶT MUA

Điều kiện giao hàng:

- Trong Thành phố Hồ Chí Minh

- Hóa đơn phải hơn 100.000đ

- Trước khi giao hàng nhân viên sẽ liên hệ với Quí khách

Phí giao hàng:

- Phí giao hàng 20.000đ đến các quận như: Q.1, Q.3, Q.4, Q.5, Q.6, Q.8, Q.10, Q.11, Q.Tân Bình và Q.Bình Tân

- Phí giao hàng 30.000đ đến các quận như: Q.2, Q.9, Q.7, Q.12, Q.Gò Vấp, Q.Phú Nhuận, Q.Bình Thạnh, Q.Tân Phú, Q.Thủ Đức, H.Bình Chánh, H.Hóc Môn và H.Nhà Bè

- Các tỉnh ngoài Tp.HCM Quí khách vui lòng liên hệ trực tiếp để biết chi phí giao hàng.

Lưu ý: Hiện tại công ty chỉ giao hàng trong Tp.HCM. Quí khách có nhu cầu mua bột trộn sẵn Mikko có thể đến siêu thị Co.opmart, Big C, Metro, Citimart hoặc các cửa hàng đại lý bột Mikko.